Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh huyện Yên Lạc; Địa chỉ : Thị trấn Yên Lạc - Huyện Yên Lạc - Tỉnh Vĩnh Phúc; Điện thoại: 0211.3836 465; Email: huyendoanyenlac20@gmail.com
Từ khóa tìm kiếm Từ khóa tìm kiếm

Sản phẩm phấn đấu đạt chuẩn OCOP

(Ngày đăng: 14/10/2021, số lượt xem: 416)

        Yên Lạc có nhiều lợi thế để canh tác nông nghiệp theo hướng an toàn, vừa đảm bảo chất lượng sản phẩm, vừa thân thiện với môi trường và tốt cho sức khỏe con người. Phát huy thế mạnh đó, ĐVTN và nhân dân trong huyện đã mạnh dạn đầu tư vào sản xuất nông nghiệp theo hướng quy mô, bài bản, thân thiện với môi trường.

        Đến thăm mô hình trồng dưa lưới Nhật Ichiba VX tại xã Hồng Châu, năm 2021, ông Học đã mạnh dạn đầu tư hơn 3 tỷ đồng nguồn vốn cho nhà màng, hệ thống tưới nước nhỏ giọt, hạt giống…trên diện tích hơn 5.000m2 với khoảng 3.000 dây dưa lưới. Hiện nay, mô hình của ông bao gồm 03 nhà màng, mỗi nhà màng khoảng 1.500m2, gồm các loại dưa: Ichiba, TL3, dưa lê Hàn Quốc... 

        Ông cho biết: “Mô hình trồng dưa lưới trên giá thể có nhiều ưu điểm so với trồng dưa truyền thống. Dưa trồng trên giá thể sẽ hạn chế tối đa cây cỏ phát triển, việc chăm sóc dưa sẽ dễ dàng và tiết kiệm hơn. Đồng thời, giữa các luống dưa được phủ bạt chuyên dụng rất sạch sẽ. Nước tưới cây được bơm qua hệ thống bơm nước bán tự động, trực tiếp bơm vào các bầu giá thể. Hệ thống nhà màng giúp chắn mưa, nắng, ngăn côn trùng xâm nhập, đảm bảo dưa có điều kiện phát triển tốt nhất”. Hạt dưa lưới được gieo trên các bầu giá thể gồm phân trộn với xơ dừa. Sau khi hạt dưa lưới được gieo từ 7 - 10 ngày, đã dần xuất hiện lá thứ 2, ông tiến hành tập trung chăm sóc. Ông cho biết thêm, quá trình sinh trưởng, phát triển của loại dưa lưới này là 2,5 tháng, tương đương 75 ngày tuổi sẽ cho thu hoạch. Trung bình mỗi quả dưa đến khi thu hoạch sẽ đạt trọng lượng từ 1,3 - 1,6kg/quả. Dự kiến đến kỳ thu hoạch sẽ cho sản lượng 4,5 tấn dưa.

        Nhờ chăm chỉ học hỏi, mày mò nghiên cứu, ông Học đã thiết kế hệ thống phun nước bán tự động với 6 bồn chứa nước, 3 máy bơm lấy nước từ các giếng khoan có sức chứa 75m3 nước mỗi giếng. Hệ thống được cài đặt bơm tự động 2 tiếng/lần, mỗi lần bơm trong 5 phút, giúp tiết kiệm rất nhiều thời gian và công sức. Không chỉ làm giàu cho bản thân, mô hình trồng dưa lưới của ông Học còn góp phần tạo việc làm cho 5-7 lao động làm việc tại các nhà màng với mức thu nhập từ 200.000 - 300.000 đồng/ngày.

        Đã tìm hiểu kỹ về chương trình OCOP, nên năm nay anh Hồ Văn Thành, Công ty Nông nghiệp sạch Vườn Xanh, xã Hồng Châu đã quyết tâm đăng ký sản phẩm dưa lưới Nhật Ichiba tham gia chương trình OCOP năm 2021. Để đáp ứng đủ điều kiện của chương trình, bước đầu anh Thành đã nộp hồ sơ đăng ký tham gia xét chọn ý tưởng sản phẩm OCOP năm 2021 do tỉnh tổ chức. Đây là lần đầu tiên công ty anh đăng ký sản phẩm tham gia chương trình, với mong muốn xây dựng thương hiệu cho sản phẩm của công ty.

        Tới thăm mô hình sản xuất nông nghiệp dưa của anh Hồ Văn Thành – thôn Cẩm La đang chuẩn bị thu hoạch, anh Thành phấn khởi cho biết: “Mô hình sản xuất nông nghiệp của tôi có diện tích 7.000m2. Trong đó có 2.000m2 là trồng dưa trong nhà màng, giống dưa là dưa Ichiba. Chỉ còn 1-2 ngày nữa, dưa sẽ đến kỳ thu hoạch. Ước tính, vụ dưa này, sản lượng đạt được khoảng 3 tấn dưa. Với giá bán dao động từ 60.000 -  65.000đ/kg, sau khi trừ chi phí, sẽ cho lãi khoảng 90.000.000 - 97.000.000 đồng/vụ.”

        Cũng giống như ông Học, anh Thành chia sẻ thêm: “Việc trồng dưa lưới trong nhà màng cũng có những khó khăn nhất định. Đó là vốn đầu tư tương đối lớn, việc phát triển mô hình trồng dưa lưới đòi hỏi người trồng phải biết áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất để cho một vụ dưa đạt chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm. Mô hình trồng dưa lưới của tôi luôn tuân thủ quy trình, kiểm soát chặt chẽ từ khâu chọn hạt giống, bồn cây, theo dõi quá trình sinh trưởng, nước tưới cho đến khi dưa được thu hoạch.”

        Dù chịu ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, nhưng năm nay đã có 5 chủ thể trong huyện đăng ký tham gia chương trình OCOP. Để lựa chọn ra những sản phẩm đặc trưng nhất của từng địa phương, Huyện đã thành lập Hội đồng xét chọn để lựa chọn ra những sản phẩm xứng đáng, đủ điều kiện, tiêu chuẩn đề nghị công nhận là sản phẩm OCOP của Vĩnh Phúc.

Nguyễn Văn Duy - Huyện đoàn Yên Lạc