Những năm qua, Huyện đoàn Yên Lạc đã triển khai nhiều giải pháp để đẩy mạnh tuyên truyền, vận động và tạo điều kiện, khuyến khích thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp. Trong đó, không thể không kể đến vai trò dẫn dắt, định hướng, đoàn kết, giúp đỡ nhau của câu lạc bộ (CLB) thanh niên phát triển kinh tế trên địa bàn.
Sau 01 năm hoạt động tuy còn nhiều khó khăn do dịch Covid-19 bùng phát trên địa bàn, hiện Câu lạc bộ (CLB) thanh niên phát triển kinh tế huyện Yên Lạc đến nay có số lượng 18 thành viên, trong đó có 03 đồng chí trong Ban Chủ nhiệm CLB. CLB định kỳ tổ chức sinh hoạt tại các xã, thị trấn trong đó chú trọng đến hình thức thăm quan học tập kinh nghiệm quản lý và xây dựng các mô hình kinh tế của các thành viên trong CLB. Bên cạnh đó còn tổ chức thăm hỏi, tặng quà, động viên các đối tượng đoàn viên, thanh niên, thiếu niên nhi đồng có hoàn cảnh khó khăn.
Thực tế cho thấy, mô hình CLB thanh niên phát triển kinh tế đã và đang khuyến khích, tạo điều kiện để ĐVTN phát triển kinh tế với nhiều mô hình hay, cách làm hiệu quả, góp phần làm giảm tỷ lệ thất nghiệp trong ĐVTN ở địa phương. Cùng đó, việc duy trì những CLB này, sẽ góp phần giúp tổ chức Đoàn thu hút, tập hợp được ĐVTN tham gia sinh hoạt đoàn.
Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động Ban Chủ nhiệm và các thành viên trong CLB cũng đã gặp không ít khó khăn để có thể duy trì và phát huy hiệu quả hoạt động của CLB. Cụ thể, Ban Chủ nhiệm chủ yếu là cán bộ đoàn chuyên trách, việc thu xếp công việc và thời gian sinh hoạt cũng hạn chế; các thành viên trong CLB ở nhiều địa phương khác nhau nên việc tập hợp để chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm hay tập huấn kiến thức còn khó khăn; các thành viên trong CLB chủ yếu là thanh niên tuổi đời còn trẻ, chưa nhiều tiềm lực về kinh tế nên việc tạo nguồn vốn hỗ trợ các thành viên phát triển kinh tế vẫn chưa được như mong muốn.

Năm 2021, trước những khó khăn của dịch Covid-19 trong tiêu thụ hàng nông sản, CLB cũng đã hỗ trợ mô hình thanh niên phát triển kinh tế tại xã Yên Phương tiêu thụ 5 tấn dưa lê. Trong thời gian tới, Huyện đoàn sẽ tiếp tục chỉ đạo các Đoàn cơ sở tích cực nắm tình hình, nhu cầu, nguyện vọng của thanh niên trong vấn đề phát triển kinh tế để có những định hướng, tư vấn cũng như phối hợp với các ngành liên quan tạo điều kiện chuyển giao khoa học kỹ thuật, giống, kinh nghiệm... tổ chức các chương trình tham quan, học tập mô hình kinh tế trong và ngoài huyện nhằm định hướng, hỗ trợ, giúp đỡ thanh niên phát triển các mô hình kinh tế”.
Có thể thấy rằng, việc giải quyết công ăn việc làm, nâng cao thu nhập, thậm chí làm giàu tại khu vực nông thôn không phải là điều quá khó khăn, vấn đề là phải lựa chọn được hướng đi, cách làm một cách phù hợp. Và với việc xây dựng mô hình CLB cùng giúp nhau phát triển kinh tế là một hướng đi đúng đắn cần được nhân rộng.
Nguyễn Văn Duy - Huyện đoàn Yên Lạc